Sôi động mùa sắn Tây Bắc
(Dân Việt) - Những ngày này, không chỉ riêng sắn ở của nông dân Sơn La sản xuất mà còn của nông dân các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái... cũng đổ về làm cho thị trường sắn ở Sơn La càng thêm sôi động.
Về thủ phủ của cây sắn
Nếu Sơn La được ví là vùng trọng điểm của cây sắn trong các tỉnh Tây Bắc thì huyện Mai Sơn xứng đáng là thủ phủ của sắn không chỉ bởi ở đây đang chiếm tới 80% diện tích cây sắn của tỉnh mà còn nơi cung cấp giống cây và thu hút nguồn sắn củ tươi từ các tỉnh lân cận đổ về.
Huyện Mai Sơn (Sơn La) đã trở thành vùng trọng điểm trồng và sơ chế, tiêu thụ sản phẩm từ sắn.
|
Đến Mai Sơn ngày 30.10, khắp nơi thấy bạt ngàn sắn thái lát, sắn thái mảnh, lò sấy khô giăng giăng, người lao động tấp nập. Trời càng nắng nóng thì nhịp độ thu hoạch, vận chuyển, sơ chế sắn củ càng tăng mạnh.
Ông Lò Văn Mạch - nông dân bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, cho biết: Thời điểm thu hoạch sắn lại trùng với vụ thu hoạch ngô, cà phê và mùa mưa nên tiến độ lao động lại càng khẩn trương. Những hộ có diện tích sắn từ 5.000m2 trở lên là phải thuê nhân công giúp đỡ để đón được những ngày khô ráo mà phơi, tránh bị ẩm mốc làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm...
Năm nay sắn được mùa, được giá; củ tươi cũng được hơn 2.000 đồng/kg. Những hộ có điều kiện chế biến thành sắn khô thì bán được tới 5.000 đồng/kg, lãi hơn bán củ tươi mà lại chủ động nguồn hàng khi giá lên cao nhất.
Theo báo cáo của UBND huyện Mai Sơn, diện tích cây sắn ở đây đã lên tới hơn 2.200ha (trong tổng số gần 3.000ha của tỉnh) và chủ yếu là sắn cao sản, được nông dân đầu tư chăm sóc nên phát triển rất tốt. Năng suất cây sắn cao sản ở Mai Sơn so với trong tỉnh cũng đạt mức bình quân cao nhất, khoảng 25 tấn/ha; nhiều hộ đạt tới 40 tấn/ha. Anh Lò Văn Toán - nông dân bản Nà Hạ, xã Chiềng Mung, cho hay: Ba năm nay, nông dân trong tỉnh rất thích trồng sắn cao sản vì đầu tư ít mà thu nhập cao.
Sân bay thành sân phơi sắn
Vừa tiếp khách, ông Phạm Văn Khới (tiểu khu Nà Sản, xã Chiềng Mung, Mai Sơn) vừa liên tục "a lô" để thuê mướn nhân công thu hoạch sắn trong vài ngày tới "vì đài báo đã sắp hết đợt mưa, thời tiết chuyển sang nắng ráo". Nhà ông có hơn 2ha sắn cao sản, ước năng suất trên 100 tấn củ tươi. Nếu cứ nắng ráo, thuê khoảng 20 nhân công giúp đỡ thì trong 3 ngày là gọn vụ vì nhà có sân phơi, máy thái rất hiện đại, năng suất sơ chế cao gấp hàng chục lần so với máy thái sắn thủ công.
Rẽ qua sân bay Nà Sản, cảnh choáng ngợp hiện ra là đường băng rộng lớn (dài 3km, rộng 50m) đang bị vây kín bởi sắn, ngô, thóc, đậu. Hàng trăm lao động với mấy chục cái máy thái sắn, ôtô, công nông, xe đẩy… chạy ngược xuôi khiến sân bay Nà Sản thành khu chế xuất và sân phơi nông sản sôi động nhất vùng Tây Bắc.
Theo anh Cầm Văn Thịnh - làm thuê cho một chủ máy thái sắn trên đường băng, cho biết: Vì Sơn La có lượng nắng trong ngày lớn, thời gian nắng dài ngày lại có khả năng chế biến, tiêu thụ sắn củ tươi nên nguồn sắn từ các tỉnh lân cận cũng đổ về đây, tạo nên sức ép sân phơi trong mùa thu hoạch.
Cả Sơn La, ngoài mặt Quốc lộ 6, Quốc lộ 4G thì điểm phơi nông sản lý tưởng nhất là sân bay Nà Sản này với số lượng hàng trăm tấn/ngày. Sau khi đã nộp phí thuê mướn đường băng, các hộ cứ dựng lều, kéo máy ra dọc đường băng mà sơ chế. Phơi nông sản trên đường băng chỉ một nắng thì khô nhanh gấp 2-3 lần so với phơi trên nền bê tông, nền đất.
Kiều Thiện
Người gửi / điện thoại
CÔNG TY CP CƠ ĐIỆN VÀ XÂY DỰNG CƯỜNG THỊNH
Trụ sở chính : Km430+400 Đường HCM, Văn Sơn, Hoàng Văn Thụ, Chương Mỹ, Hà Nội
Nhà máy sản xuất: Thôn Mỹ Lương, Xã Mỹ Lương, Huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội
ĐT: 243.999.7869; 0243 .360. 2088; 0987.35.88.18; Website: cuongthinhmeco.com; Email: cuongthinhmeco@gmail.com
TK: 102010001483983 - Ngân hàng công thương Việt Nam( Vietinbank) - Chi nhánh Tây Thăng Long
MST: 0105814045