MỘT SỐ CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH TRÁI CÂY

I. HIỀN TRẠNG VỀ CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH TRÁI CÂY NƯỚC TA.

            Với Điều kiện khí hậu nhiệt đới thuận lợi, trái cây Việt Nam, rất phong phú và đa dạng về chủng lọai (xoài, sầu riêng, măng cụt, nhãn, thanh long...). Nhiều loại rau quả ở nước ta có phẩm chất rất ngon, rất được ưa chuộng trong và ngoài nước. Nhu cầu thị trường ngoài nước về trái cây khá lớn nhưng các nước nhập khẩu trái cây yêu cầu phải cung cấp đủ số lượng đồng thời chất lượng ổn định trong khi phía Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu này. Trong khi đó, do nhu cầu trao đổi và hợp tác giao lưu giữa các quốc gia, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO, các giống cây và trái cây nhập nội ngày càng nhiều đã và đang làm tăng thêm hương vị cho trái cây Việt Nam, đồng thời cũng tạo nên sự cạnh tranh thị trường gay gắt hơn.

Theo chúng tôi, có thể đánh giá hiện trạng lĩnh vực sau thu hoạch trái cây nước ta ở một số điểm sau:

- Thiếu nghiên cứu kỹ về chỉ số thu hoạch trái cây: đay là một chỉ số quan trọng, nhưng chỉ có một số cơ quan nghiên cứu bước đầu thực hiện đối với một số trái cây trái chính.

- Công nghệ thu hoạch, sau thu hoạch (xử lý, bảo quản, vận chuyển...) lạc hậu và thiếu đầu tư cơ sở vật chất kèm theo ( kho lạnh chuyên dùng CA, thiết bị rửa, xử lý, buồng ủ chín, bao bì, đóng gói, vận chuyển,,,). Cả nước mới chỉ có vài cơ sở nhà sơ chế, đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Tổn thất trong quá trình thu hoạch và sau thu hoạch còn khá lớn ( ước khoảng 25% về khối lượng,chưa kể đến tổn thất về chất lượng).

- Do diện tích trồng trái cây manh mún, chưa có quy hoạch tổng thể vùng tập trung chưa có nhiều giống mới được giới thiệu áp dụng, nhất là việc áp dụng quy trình sản xuất hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) chưa được phổ biến rộng rãi.

- Nông dân và các thành viên trong hệ thống cung ứng chưa được huấn luyện và hướng dân đầy đủ về kỹ thuật thu hoạch và xử lý bảo quản, nên trái có độ chín không đồng đều, trái dễ bị mất nước, nhiễm vi sinh vật, quá nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ... nên việc thu mua, xử lý trái cây đảm bảo số lượng và chất lượng đồng đều gặp kkhó khăn, ảnh hưởng đến việc kinh doanh nhất là xuất khẩu.

- Hiện nay chúng ta chưa có quy định trong chất lượng rau quả sau thu hoạch, được ban hành thành những tiêu chuẩn bắt buộc. Những quy định về chất lượng trái cây hiện nay vẫn chủ yếu được xây dựng trên cơ sở theo sự thỏa thuận giữa nhà vườn và nhà thu mua trái cây.

- Điều kiện kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng các chất độc hại khi xử lý trái cây chưa được chú ý. cơ sở vật chất cho công nghệ xử lý, bảo quản và chế biến tại vùng nguyên liệu còn thiếu thốn.

- Chưa đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu giống và công nghệ sau thu hoạch cây ăn trái.

- Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn ( đường nội bộ, kênh rạch, điện nước, thông tin liên lạc...) còn yếu kém, đã và đang làm hạn chế khả năng phát triển, tiêu thụ sản phẩm trái cây.

Trong thời gian gần đây, vấn đề ạnh trạnh trên thương trường ngày càng gay gắt. Các loại trái cây với đầy đủ chủng loại từ nho, táo, lê ... của Mỹ, Úc, Trung Quốc, chuối của Philipin, đến sầu riêng, xoài của Thái Lan, Đài Loan v.v... đang được nhập và tiêu thụ trên thị trường Việt Nam.Người tiêu dùng thường quan tâm đến chất lượng,bao bì và giá cả của mặt hàng trái cây mà họ mua. Việc xây dựng và tôn vinh thương hiệu trái cây Việt Nam để cạnh tranh là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách. Nếu không trái cây Việt Nam sẽ mất chỗ đứng ngay trên thị trường của chúng ta và càng không thể cạnh tranh thị trường ngoài nước.

Việc giải quyết được từng bước nhưng vấn đề nêu trên không những sẽ làm giảm tổn thất sau thu hoạch, duy trì giá trị dinh dưỡng chất lượng trái cây, mà còn làm cơ sở để phát triển ngành trái cây một cách bền vững, phục vụ tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu, đặc biệt là làm tăng thêm thu nhập của người nông dân, lực lượng lao động hiện còn chiếm khoảng trên 70% dân số Việt Nam.


II. TIẾN BỘ KỸ THUẬT XỬ LÝ, BẢO QUẢN MỘT SỐ CÂY CÓ THẾ MẠNH CẠNH TRANH.

a) Quy trình kỹ thuật thu hoạch, xử lý và bảo quản thanh long.

+ Thu hoạch.

- Từ những thay đổi sinh lý sinh hoấ trong quá trình chín. Thanh long nên thu hoạch trong thời gian từ 28 - 30 ngày sau khi hoa nở để trái cây có chất lượng ngon và bảo quản lâu hơn cho xuất khẩu ở các thị trường châu Âu. Thu hoạch từ 32 - 35 ngày ssau khi nở hoa cho thị trường trong nước và trong vùng.

- Thu hoạc lúc sáng sớm, chiều mát, tránh ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp vào trái làm tăng nhiệt độ trong trái, mất nước nhanh, ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian bảo quản.

- Dụng cụ hái bằng kéo cắt tỉa cây sắc bén, khi cắt trái xong bỏ vào giỏ nhựa.

- Sau khi hái đề thanh long trong bóng râm mát, vận chuyển ngay về nhà đóng gói càng sớm càng tốt, không để lâu ngoài vườn.

- Không để trái xuống đất trong khi để tránh nhiễm nấm bệnh gây hỏng cuống khi bảo quản.

- Không nên chất đầy giỏ khi vận chuyển, bao lót kỹ tránh tổn thương do va đập.

- Khi vận chuyển đến nhà thu mua, giỏ phải được lót lớp giấy, lá và bao phủ trên mặt tránh va đập, nắng chiếu trực tiếp vào trái.

+ Những điểm chung cần chú ý sau đây để đảm bảo chất lượng cung cấp cho nhà xuất khẩu.

- Yêu cầu về chất lượng trái của các nhà nhập khẩu là: trái cây màu đỏ tươi và đồng đều, tai trái màu xanh và cứng.

Khi sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng thực vật (các chất kích thích) vỏ thường dày, tai cứng và lớn. Nếu không sử dụng chất kích thích thì vỏ mỏng, tai nhỏ và mềm, trái nhỏ hơn. Trái có sử dụng chất kích thích bảo quan lâu hơn.

Tai trái bị biến đổi màu vàng và héo nhanh nếu bảo quản không thích hợp. Khi bảo quản ở nhiệt độ lạnh quá (<5C) trái bị tổn thương, vỏ trái biến đổi thành màu đỏ nâu và thịt trái biến đổi từ màu trắng thành màu trắng mờ.

Nếu giữ trái quá lâu trên cây, trái dễ bị nứt, thịt và tai mềm, biến đổi màu và chịu lạnh kém.

+ Xử lý và phòng trừ bệnh.

- Các loại nấm bệnh sau đây thường xuất hiện sau khi thu hoạch: Aspergillus avenaceus; Aspergills awamri; A.clavalus; fuaritum; penicillium charleri.

- Biện pháp phòng trừ.

Nhúng trái trong dung dịch carbenadazim 500 phần triệu (500ppm) trong một phút.

- Cách pha: Lấy 0,5g ram pha trong 1 lít nước khuấy đều.

- Cách sử dụng các chất kích thích để giữ trái tươi lâu hơn như phun GA3 ( a xit giberrelic) với liều lượng 30 - 50 ppm)

+ Đóng gói và bảo quản vận chuyển.

- Phương pháp điều chỉnh thành phần không khí (MA); nguyên tắc phương pháp này là làm tăng nồng độ khí carbonic và giảm độ oxygen trong không khí -ung quanh trái để làm giảm cường độ hô hấp của trái. Trái được bao bằng bao polotylen có đục 20 ă 30 lỗ bằng kim và hàn kín bao. Kỹ thuật này kết hợp với nhiệt độ lạnh (50 C), thanh long có thể bảo quản tươi 42 ngày.

- Trái đựng trong thùng carton có vách ngăn, chú ý vách ngăn đừng quá chật để tránh phần gẫy tai của trái.

- Điều kiện vận chuyển: thanh long nên được vận chuyển lúc trời mát, tốt nhất trong những containor lạnh 50 C và độ thông khí 20 - 25m3 / giờ.

- Điều kiện bảo quản: nhiệt độ 50 C, độ ẩm 90%.

b) Bảo quản xoài

Xoài được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía nam, tập chung ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang... Các giống có chất lượng ngon đang được trồng phổ biến ở đồng bằng Sông Cửu Long là Cát Hòa Lộc, xoài thơm, xoài bưởi. Ngoài ra, hiện nay giống xoài Nam Dok Mai của Thái Lan cũng được trồng ở Bình Phước. Ngoài việc dùng chủ yếu là ăn tươi, xoài có thể chế biến làm xoài sấy, nước quả đóng hộp, mứt, thạch, bánh, kem... trái xoài sau thu hoạch có những đặc điểm sinh học sau đây cần chú ý để áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo quản và chế biến thích hợp.

1) Xoài thuộc nhóm trái có cường độ hô hấp tăng cao (có đỉnh hô hấp) trong quá trình chín vì vậy thường thu hoạch trái gìa, còn xanh và trái tiếp tục chín.

2) Xoài có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới vì vậy dễ bị tổn thương lạnh ở nhiệt độ thấp.

3) Xoài dễ mẫn cảm với các loại khi etylen acetylen, thúc đẩy nhanh quá trình chín.

4) Xoài dễ bị hư hỏng sau thu hoạch do nấm bệnh như bệnh thán thư, bệnh đốm đen, thối cuống...

5) Xoài dễ bị tổn thương vỏ do mủ bám dính vào.

6) thời gian bảo quản xoài rất ngắn.

7) Xoài giàu sinh tố Avà B.

+ Xử lý bảo quản sau thu hoạch:

- Khi thu hoạch, cắt đế cuống dài 15 - 20 cm, tránh mủ xoài chảy ra dính vào trái đồng thời ngăn bệnh thối cuống. Khi ngắt cuống để ngược trái hướng lên cho mủ xoài chảy xuống. Các gống có lượng mủ khác nhau và mức độ lây nhiễm khác nhau: xoài thơm và xoài Thanh Ca thường bị nặng nhất. Xoài cát Hòa Lộc và xoài Bắc bị nhẹ hơn.

- Trái thu hoạch vào lúc trời mát, khi hái để trái trong bóng râm, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào trái và chuyển về nhà đóng gói càng nhanh càng tốt.

- Trái nên được xử lý nấm bệnh bằng benomyl ở nồng độ 0,1% nhiệt độ 50 -520 C. Chú ý kiểm tra nhiệt độ tránh tổn thương trái do nhiệt. Thời gian 3 - 5 phút.

- Kỹ thuật ủ chín có 2 phương pháp: Phương pháp kín và phương pháp liên tục. Cả hai để đều xử dụng khi etylen ở nồng độ 1- 3 ppm hoặc acetylen ở nồng đô 500ppm trong thời gian 16 - 24 giờ. Phương pháp kín là phương pháp đưa một lượng khí được tính toán theo nồng độ với thể tích buồng ủ chín. Phương pháp liên tục có xử dụng một dòng khí và một đồng hồ có van tự động đóng mở cho khí vào tùy theo nồng độ bên trong cao hoặc thấp hơn nồng độ cần ủ chín. Các phương pháp này có ưu điểm trái chín đồng đều, có thể điều chỉnh nồng độ, nhiệt độ để màu sắc trái chín đẹp. Ngoài ra có thể nhúng trong dung dịch ethrel 500 - 1000ppm để ủ chín xoài. Để trái chín có màu sáng đẹp cần khống chế nhiệt độ ủ chín từ 25 - 27 0 C. Hiện nay các nhà thu mua xoài bán hay xử dụng đất đèn (carbar calci) để ủ chín xoài. Carbar calci phản ứng với hơi nước trong không khí tạo khí acetylen do nồng độ khí acetylen không đồng đều, nơi gần đất đèn nồng độ khí cao trái chín nhanh, nơi xa nồng độ khí thấp trái chín chậm hơn vì vậy lô hàng chín không đều. Phương pháp ủ chín xoài rất quan trọng trong chế biến màu sắc và độ ngọt đồng đều.

- Xoài nên được bảo ở nhiệt độ 13- 15 0 C, thấp hơn ở nhiệt độ này xoài dễ bị tổn thương nặng mất hương vị. Xoài có thể áp dụng kỹ thuật điều chỉnh lại thành phần không khí với thành phần O2 và Co2 sử dụng bao bì có độ thấm khí 4000ml Oxygen m2/ giờ bảo quản ở 10o C có thể kéo dài 4 tuần.

C. Bảo quản và chế biến tối thiểu sầu riêng.

Sau khi thu hoạch, những thay đổi sinh lý hóa của trái sầu riêng có những đặc điểm sau cần chú ý khi áp dụng các biện pháp xử lý bảo quản:

- Trái có cường độ hô hấp cao tiêu thụ Oxygen nhiều, sinh nhiệt cao và thuộc nhóm có đỉnh hô hấp vì vậy có thể thu hoạch lúc trái già và trái tiếp tục chín sau khi hái.

- Trái dễ bị nứt có thể do sự mất nước trong điều kiện nhiệt độ cao và ẩm độ thấp.

- Bệnh gây thối quả là bệnh phổ biến nhất của sầu riêng sau khi thu hoạch.

- Trái dễ bị tổn thương lạnh ở nhiệt độ dưới 15oC.

+ Chế biến tối thiểu:

Để cung cấp cho người tiêu dùng sầu riêng vẫn còn hương vị tươi, giữ nguyên lượng dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng xử dụng tiện lợi nếu không qua sơ chế trái khó bóc vỏ, mang nặng, cồng kềnh và đặc biệt cho xuất khẩu. Sản phẩm chế biến này được qua các giai đoạn: rửa nhúng dung dịch clor, bóc vỏ, tách múi, phân loại múi, đóng gói. Điều kiện cơ sở chế biến (dụng cụ, nhà xưởng, công nhân ...) phải bảo đảm sạch sẽ, vệ sinh tuyệt đối tránh sản phẩm bị nhiễm khuẩn.

Dung dịch nước clor xử dụng để rửa ở nồng độ 100 - 150ppm và độ pH 6- 7 thời gian nhúng trái 3 - 5 phút.

Tất cả dụng cụ (dao, bao tay...) phải được khử trùng bằng nước clor .

Gói múi sầu riêng trong hộp polypropylen (pp).

Sản phẩm nên vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ 4oC.

d) Xử lý và bảo quản nhãn:

Nhãn trồng ở nước ta có nhiều giống như nhãn Tiêu Huế, nhãn Xuồng cơm vàng v.v.... khác nhau về thời gian sinh trưởng, thời gian thu hoạch, màu sắc, kích thước trái v.v... tuy nhiên trong khi chín đều có đặc điểm chung sau và cần chú ý sau khi thu hoạch và bảo quản.

Nhãn là loại trái không có đỉnh hô hấp khi chín vì vậy phải thu hoạch đúng lúc.

Trái bị mất nước nhanh chóng và biến đổi màu nhanh sau khi thu hoạch.

Trái dễ bị nấm bệnh gây hại, đặc biệt men gây thối bên trong trái.

+ Thu hoạch.

- Nhãn thu hoạch đúng lúc khi trái chuyển màu sáng bóng, hoặc có hương thơm khi độ brix /18% nhãn để lâu trên cây dễ bị rụng, nứt trái.

- Nhãn được cắt cả trùm, đặt trong giỏ, tránh để rơi xuống đất. giỏ trái phải được che phủ tránh ánh nắng trực tiếp.

- Thời gian hái vào buổi sáng sớm, trời mát sau đó chuyển ngay về nhà thu mua càng sớm càng tốt.

- Tránh chất quá đầy giỏ bằng cách ấn mạnh xuống khi vận chuyển dễ gây tổn thương quả.

+ Phân loại và xử lý.

- Cắt bỏ trái nhỏ không đạt đường kính tối thiểu tùy theo giống (2,4 cm đối với giống nhãn tiêu Huế) theo yêu cầu của nhà thu mua và trái biến dạng, bị nứt, bị sâu bệnh gây hại.

- Xử dụng kỹ thuật xông khí sulfur doxide (SO2) bằng bình chứa SO2 lỏng để phòng trừ men gây thối, mầm bệnh và làm màu vỏ trái đẹp sáng trông hấp dẫn hơn. Nồng độ SO2 để xông khoảng 2 - 2,5%, thời gian khoảng 30 phút. Chú ý tính toán nồng độ SO2 sử dụng tránh quá liều gây tổn thương trái, mất hương vị và dư lượng SO2 trong trái cao quá liều cho phép. Tỷ lệ giữa trọng lượng và thể tích buồng xông từ 1/6 - 1/8. Sau khi xông khí phải loại khí dư trong buồng xông, phải tránh ô nhiễm môi trường và gây độc cho người. Khi xử dụng công nghệ này phải có sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật có chuyên môn trong lĩnh vực này. Nhãn được xông khí SO2 và kết hợp bảo quản trong điều kiện ở nhiệt độ lạnh thì thời gian bảo quản có thể là 4 tuần.

- Để tạo khí SO2 ta có thể đốt lưu huỳnh hoặc dùng acid clohdyric phản ứng với metabisulfit sodium. Hiện nay các cửa hàng cung cấp khí có bán bình khí SO2 dùng thuận tiện hơn, có thể kiểm tra phải điều chỉnh nồng độ xông an toàn hơn.

- Khi xông khí SO2 màu sắc vỏ trái biến đổi thành màu vàng sáng đẹp hơn. Nếu xông khí đúng kỹ thuật màu này không hóa thành màu nâu trong thời gian bảo quản. Nếu xử dụng liều xông quá cao thì màu trái có thể biến thành màu trắng.

- Để phòng trừ nấm bệnh thông thường như aspergillus, Fusarium, Alternaria, Penicillium có thể xử dụng bằng cách nhúng trong dung dịch benomyl nồng độ 500ppm trong 1 phút trong trường hợp không xử lý bằng SO2.

- Nhãn đóng gói vào rổ nhựa với trọng lượng 10kg/ rổ, đặt trên mặt một số lá nhãn tăng độ tươi trái, hấp dẫn khách hàng.

- Bảo quản và vận chuyển trong điều kiện nhiệt độ từ 3- 5 oC và độ ẩm cao 95%.

Đặc biệt đối với nhiệt độ, các nhà xuất nhập khẩu nên sử dụng nhiệt kế tự động ghi nhận những sự thay đổi nhiệt độ trong suốt quá trình vận chuyển, bảo quản đặt bên trong kho lạnh, containor. Kết quả kiểm tra được phân tích trên máy vi tính.

e) Bảo quản măng cụt

+ Độ chín thu hoạch:

Để xác định độ chín của quả người ta thường dựa vào màu sắc của vỏ quả; hồng lúc mới chín, tía lúc chín trung bình và tím sẫm khi chín hoàn toàn. Quả có một đài hoa cứng ở cuống và được hái cả cuống. Thịt quả tách rời với vỏ khi quả chín. Phân viện đã nghiên cứu và xác định được bằng màu về độ chín thu hoạch cho măng cụt.

+ Thu hoạch

Hiện nay người ta chỉ thu hái măng cụt bằng tay, hái cả cuống còn xanh.

Măng cụt sau khi thu hoạch được xếp trong những giỏ nhựa hoặc giỏ tre có lót giấy báo hoặc lá chuối chở đến nhà xử lý. Quả đem đi xuất khẩu được đóng gói trong thùng có chứa nhiều miếng xốp có khuôn sẵn vừa một quả hoặc trong những khay bọt biển.

Quả được nhúng qua thuốc diệt nấm, thường dùng là thiophanate methil 1000ppm trong 3 phút.

Nhiệt độ thích hợp để bảo quản măng cụt là 13 oC, bao bằng bao OTR2000, khi đó quả có thể tồn tại trong kho bảo quản 4 tuần, phụ thuộc vào cây trồng và độ chín thu hoạch. Độ ẩm 90 - 95%.

Nấm bệnh phát sinh trong bảo quản bằng bao điều chỉnh thành phần không khí (OTR).

+ Điplodia sp

+Penicillium sp

+Fusarium sp.

F. Xử lý và bảo quản bưởi

Thu hoạch: Bưởi được xác định thuộc nhóm trái không có sự bột phá hô hấp (nonn-climaeric) có cường độ hô hấp 30-40 ml/kg/h ở nhiệt độ 280C. Vì vậy loại trái này không tiếp tục chín sau khi thu hoạch, cần phải thu hoạch đúng độ chín.

Đối với bưởi da xanh để bảo quản được lâu nên thu hoạch vào khoảng 210-216 ngày sau khi đậu trái. Thịt quả hồng, rất ít hạt, giòn, nhiều nước, có vị ngọt hơn chua; Brx: 10,5-11B0x, độ chua 0,3- 0,35, tỷ số giữa độ nhọt và độ chua (TSS/TA) khoảng 30. Màu xanh của trái chuyển màu xanh nhạt, túi tinh dầu trên mặt vỏ nở. Ngoài ra khi đúng độ chín phần đầu trái lồi ra. Khi chín gõ vào trái có trếng trầm. Những chỉ số và cảm quan này có thể tham khảo xem là chỉ số thu hoạch bưởi.

Nên thu hoạch vào lúc trời mát và nhẹ tay, tránh lúc trời nắng gắt làm các tế bào tinh dầu căng dễ vỡ, không nên thu hái quả sau cơn mưa hoặc có sương mù nhiều vì quả dễ bị ẩm thối khi tồn trữ.

Dụng cụ thu hoạch như kéo cắt fắn liền giỏ để thu hoạch trái, không được để rơi trái xuống đất, khi thu họach nên mang theo bao tay tránh móng tay làm vết thương trên trái và dùng giỏ nhựa loại 20kg. Kéo cắt nên làm sạch khusnr bằng natri Hypoclorit Sodium (NaOCL) trước khi dùng. Tất cả dụng cụ sau thu hoạch phải lau chùi sạch sẽ để vào chỗ ngăn nắp.

Phân loại: Bưởi nên phân loại theo sự hướng dẫn trên đây trong phần phân loại. Bưởi phân loại theo dạng hình đúng bưởi da xanh, trọng lượng quả và loại bỏ những quả hư, có vết côn trùng cắn, dập, trầy xước, thâm đen trên vỏ.

Xử lý vi khuẩn, nấm và lám giảm trọng lượng, làm khô, sau khi phân loại bưởi được nhúng qua dung dịch Natrihipoxlorit 1%, để khô và sau đó nhúng trong dung dịch Citrashine để khô tự nhiên hoặc dùng quạt thổi hoặc dùng bao wrapping. Nên bao trái bằng lưới polostiren tránh va chạm khi cận chuyển làm hỏng trái trước khi đóng gói bằng thùng carton 3 lớp chia thành 6 ngăn, mỗi ngăn một quả để hạn chế sự va chạm mạnh trong quá trình vận chuyển.

Bảo quản: Bảo quản bưởi ở nhiệt độ 100C, ẩm độ 90-95%. Ngoài ra, Phân viện cũng đã nghiên cứu thành công quy trình chế biến mứt và trà từ bưởi và đang chuẩn bị chuyển giao cho cơ sở sản xuất ở Bến Tre.

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
04-12-2016 15:58:40 anh thư

Cho mình hỏi cách xử lý cam sau thu hoạch ra sao vậy?mình cám ơnSmile

Trả lời

 

  CÔNG TY CP CƠ ĐIỆN VÀ XÂY DỰNG CƯỜNG THỊNH

Trụ sở chính : Km430+400 Đường HCM, Văn Sơn, Hoàng Văn Thụ, Chương Mỹ, Hà Nội

Nhà máy sản xuất: Thôn Mỹ Lương, Xã Mỹ Lương, Huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội

ĐT: 243.999.7869; 0243 .360. 2088; 0987.35.88.18; Website: cuongthinhmeco.com; Email: cuongthinhmeco@gmail.com
TK: 102010001483983 - Ngân hàng công thương Việt Nam( Vietinbank) - Chi nhánh Tây Thăng Long

MST: 0105814045

Hotline 0987358818; 02439997869