Đó là số vốn Chính phủ cam kết dành cho nông nghiệp công nghệ cao được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết ngay tại hội nghị 'Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp VN' tại TP.HCM do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA), thuộc T.Ư Hội Doanh nhân trẻ VN, tổ chức chiều qua tại TP.HCM.

“Ngân hàng chỉ hoạt động theo kiểu tiệm cầm đồ"
Chính sách hạn điền vẫn là vấn đề cốt lõi của câu chuyện thúc đẩy một nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, chất lượng cao. Vì vậy, đây cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia ý kiến. Câu chuyện của ông Võ Quan Huy, một nông dân nổi tiếng với biệt danh “nông dân triệu đô”, “nông dân ngàn tỉ”… nhờ trồng chuối xuất khẩu qua thị trường khó tính nhất thế giới là Nhật Bản. Ông Võ Quan Huy nói thẳng, để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và việc sử dụng đất hiệu quả, giảm chi phí đầu tư ít nhất phải có diện tích đất 100 ha. Tổng diện tích đất trồng chuối mà ông có đến cả ngàn héc ta ở 6 tỉnh khác nhau. Theo luật hiện hành, ông và DN của mình không thể đứng tên hết diện tích đó nên không thể dùng phần tài sản này thế chấp để vay vốn ngân hàng (NH) đầu tư ngược lại vào nông nghiệp. “Nông dân hay DN nông nghiệp chỉ có đất nhưng đất lại không được xem là tài sản hợp pháp. Trong khi đó tài sản trên đất thì không được NH chấp nhận cho thế chấp để vay vốn. Việc tiếp cận vốn NH là rất khó khăn. Tôi nói thật, với nông nghiệp, NH chỉ hoạt động theo kiểu tiệm cầm đồ”, ông Huy bức xúc. Các DN đều ủng hộ chủ trương nới rộng hạn điền để thúc đẩy nông nghiệp phát triển vì mô hình kinh tế hộ không còn phù hợp. Nhà nước cần có cơ chế chính sách giúp DN và nông dân tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất.
 
 
50.000 tỉ đồng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao - ảnh 1
Việc tích tụ ruộng đất là một vấn đề hết sức bức xúc, trói buộc nền nông nghiệp VN. Cái nào thuộc về phạm vi của Chính phủ như nghị định, thông tư liên quan chúng tôi sẽ sửa ngay. Những cái thuộc về Quốc hội chúng tôi sẽ trình Quốc hội xem xét
50.000 tỉ đồng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao - ảnh 2
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
 
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), góp ý: Một héc ta lúa nông dân chưa chắc lời được 30 triệu đồng/năm trong khi nông dân trồng hồ tiêu có thể lời cả tỉ đồng. Điều này cho thấy không phải nông dân nào cũng nghèo mà tùy đối tượng. Sự chênh lệch thu nhập của từng nhóm nông dân là rất cao. Chính vì vậy cần khuyến khích nông dân sản xuất sản phẩm hàng hóa nào có giá trị kinh tế cao chứ không nhất thiết phải làm ra thật nhiều lúa gạo. Đồng tình với các ý kiến trên, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) thừa nhận: Chính sách đất đai hiện nay cần phải được hoàn thiện thêm một bước nữa theo hướng nới rộng quy định về hạn điền. Tích tụ ruộng đất phải được xem là một hành động hợp quy và hợp pháp. Hiện nay đã có chủ trương điều chỉnh theo hướng này và hy vọng sớm được thực hiện. Ngành nông nghiệp cũng đã xin ý kiến của Chính phủ và được đồng ý về chủ trương sẽ giảm khoảng 700.000 ha diện tích đất lúa so với hiện nay để chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp theo tiêu chí giá trị kinh tế cao hơn cây lúa.
Cơ chế mở hoàn toàn cho doanh nghiệp
Câu lạc bộ DAA được thành lập cuối tháng 9.2016 đến nay đã thu hút được khoảng 300 DN tham gia. Nguyên nhân DN ít đầu tư vào nông nghiệp vì nông nghiệp bị phân biệt đối xử, thiệt thòi, thiếu bình đẳng. Nếu như DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp có thể mang tài sản đi thế chấp để vay vốn tín dụng NH nhưng nông nghiệp thì không. “Thế thì DN làm gì có tiền đầu tư vào nông nghiệp”, một DN bức xúc. Đại diện các DN cho rằng ngay trong chính sách của nhà nước cho nông nghiệp cần phải được công bằng. Cần có một mô hình nào đó đủ hấp dẫn ít nhất về vốn. "Ví dụ giải cứu bất động sản chúng ta có gói 30.000 tỉ đồng thì muốn khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp phải có chính sách tương tự" - ông Trương Gia Bình, Chủ tịch DAA, đề xuất với Thủ tướng cho nông nghiệp 50.000 tỉ đồng. Đề xuất này được cả khán phòng ủng hộ bằng một tràng pháo tay rất lớn và dài. Một đại diện khác bổ sung, cần phải có thêm sự tháo gỡ về thủ tục nếu không thì DN vẫn rất khó tiếp cận.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN VN, nói: Gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao đã có và được giao cho NH NN-PTNT chủ trì. Đã giải ngân cho 31 dự án thuộc các khu nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước với tổng số vốn gần 3.000 tỉ đồng. NH này được giao nhiệm vụ phục vụ cho đối tượng nông nghiệp nông thôn là đặc thù làm rất hiệu quả, thủ tục đơn giản.
Chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải xóa bỏ cơ chế xin - cho, không bó hẹp nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch cũ trước đây. Địa phương nào và bất cứ ai làm nông nghiệp công nghệ cao đều được Chính phủ hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Chính phủ sẽ tạo một cơ chế mở hoàn toàn cho DN. Chính phủ đồng ý sẽ dành ra một gói từ 50.000 - 60.000 tỉ đồng hỗ trợ DN nông nghiệp công nghệ cao. “Tôi chỉ đạo luôn với NHNN gói hỗ trợ này phải mở rộng 5 - 7 NH tham gia để tạo ra cơ chế thị trường minh bạch thông thoáng, chống chỉ định bao cấp để phát sinh chi phí không chính thức”, Thủ tướng nhấn mạnh. Khán phòng tiếp tục ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng bằng một tràng pháo tay rất dài.
Bên cạnh thông tin về tín dụng, phát biểu bế mạc hội nghị Thủ tướng cũng giao từng việc cụ thể cho các bộ ngành có liên quan. Đối với vấn đề đất đai, Thủ tướng nói: "Việc tích tụ ruộng đất là một vấn đề hết sức bức xúc, trói buộc nền nông nghiệp VN. Cái nào thuộc về phạm vi của Chính phủ như nghị định, thông tư liên quan chúng tôi sẽ sửa ngay. Những cái thuộc về Quốc hội chúng tôi sẽ trình Quốc hội xem xét".
20.000 tỉ cam kết đầu tư vào Gia Lai
Hơn 20.000 tỉ đồng đã được các nhà đầu tư cam kết đầu tư vào các dự án do tỉnh Gia Lai kêu gọi trong hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra tại TP.Pleiku ngày 18.12. Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, khẳng định: "Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ, tỉnh đã xây dựng các chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh như: hỗ trợ tham gia triển lãm, chợ công nghệ, san lấp mặt bằng, rà phá bom mìn, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chi phí lập dự án đầu tư, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh...”.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Phải quy hoạch và phát triển nguồn nước ở Tây nguyên. Nếu không có chiến lược này, Tây nguyên dễ thành một sa mạc. Phát triển tốt hơn hạ tầng ở Tây nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, mở rộng sân bay Pleiku để giao thương; xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi hơn, tạo mọi cơ chế thuận lợi để đảm bảo các DN có chi phí đầu tư thấp nhất ở Gia Lai xa xôi này...”. Thủ tướng cũng lưu ý: Chính quyền phải đồng hành, tháo gỡ cho DN, chống tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”. “Tôi hy vọng sau hội nghị này, Gia Lai sẽ là nơi lý tưởng để các nhà đầu tư quan tâm và quyết định đến đầu tư, góp phần đưa Gia Lai phát triển thành một vùng động lực của khu vực bắc Tây nguyên...”, Thủ tướng nói.
Trần Hiếu
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

  CÔNG TY CP CƠ ĐIỆN VÀ XÂY DỰNG CƯỜNG THỊNH

Trụ sở chính : Km430+400 Đường HCM, Văn Sơn, Hoàng Văn Thụ, Chương Mỹ, Hà Nội

Nhà máy sản xuất: Thôn Mỹ Lương, Xã Mỹ Lương, Huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội

ĐT: 243.999.7869; 0243 .360. 2088; 0987.35.88.18; Website: cuongthinhmeco.com; Email: cuongthinhmeco@gmail.com
TK: 102010001483983 - Ngân hàng công thương Việt Nam( Vietinbank) - Chi nhánh Tây Thăng Long

MST: 0105814045

Hotline 0987358818; 02439997869