QĐND - Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu và là quốc gia sở hữu nhiều dược liệu quý, hiếm, đặc dụng. Tuy nhiên, việc khai thác, trồng trong nước mới đáp ứng ở mức thấp, khoảng 20 đến 25% nhu cầu sử dụng; số còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài nhưng chất lượng, nguồn gốc của những loại dược liệu nhập khẩu này lại đang bị thả nổi không ai kiểm soát…

Nhiều loại dược liệu nhập khẩu chưa qua kiểm soát

Theo PGS, TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), trong số hơn 12.000 loài thực vật ở Việt Nam, thì có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế. Tuy nhiên, trong 60.000 tấn dược liệu sử dụng mỗi năm tại Việt Nam có đến 80-85% dược liệu được nhập từ nước ngoài. Mỗi tuần có khoảng 300-400 tấn dược liệu thông quan qua cửa khẩu Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn). Dược liệu ở nước ngoài có 2 dạng cung cấp: Nông sản và dược liệu trồng, thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Những dược liệu ở dạng nông sản không bảo đảm chất lượng để làm thuốc có giá rất rẻ so với các loại dược liệu trồng và thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Phần lớn các dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam là những dược liệu ở dạng nông sản, gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh dược liệu và ảnh hưởng xấu đến việc trồng, thu hái dược liệu trong nước. PGS, TS Phạm Vũ Khánh cũng thừa nhận, từ trước tới nay, công tác quản lý dược liệu tại Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng từ khâu nhập khẩu, kiểm định chất lượng, lưu thông, đến phân phối, sử dụng. Do vậy, nhiều dược liệu không bảo đảm chất lượng lưu hành trên thị trường đã gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng điều trị, gây lo ngại cho bệnh nhân và hoang mang trong dư luận xã hội.

Qua khảo sát của cơ quan chức năng, việc kinh doanh dược liệu phần lớn là các hộ cá thể trên địa bàn xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội), hay quận 5, TP Hồ Chí Minh và đều không có hóa đơn mua hàng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; trong khi đó, một số doanh nghiệp kinh doanh dược liệu, cơ sở sản xuất thuốc lại mua dược liệu từ các hộ kinh doanh dược liệu trên; đặc biệt là việc nhập khẩu dược liệu qua các đường tiểu ngạch không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra được về số lượng, trọng lượng các bao hàng, không kiểm tra được chất lượng của dược liệu.

Theo báo cáo của Cục Quản lý y, dược cổ truyền, hiện tại, chưa có quy định về kê khai giá đối với mặt hàng dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền (YHCT). Vì vậy, cả nhà cung cấp và cơ sở y tế đều bị động về nguồn cung do mặt hàng phụ thuộc nhiều vào thời vụ và vào nguồn nhập khẩu. Mặt khác, giá dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền biến động rất nhiều theo thời vụ, thị trường dẫn tới tình trạng giá trúng thầu dược liệu, vị thuốc tại các tỉnh, thành phố chênh lệch nhau quá cao. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, chia sẻ:           

- Cây sâm Ngọc Linh là loại dược phẩm quý hiếm, được xếp vào 1 trong 4 cây sâm quý nhất trên thế giới, được Chính phủ chủ trương đưa thành 3 sản phẩm dược liệu Quốc gia. Thế nhưng việc khai thác, mua bán và sử dụng tràn lan chưa có quy định quản lý, bảo vệ cùng các chính sách, giải pháp đầu tư, quy hoạch phát triển khiến vùng sâm tự nhiên của tỉnh Quảng Nam dần cạn kiệt. Mặt khác cơ chế, chính sách chưa thu hút được sự đầu tư của các công ty, doanh nghiệp. Trong khi đó công tác nghiên cứu khoa học về phát triển cây sâm còn ít, sản phẩm chưa tạo được sự cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Còn theo ông Vũ Văn Hoàng, Giám đốc Bệnh viện YHCT Hà Đông, một trong những yếu tố quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện là chất lượng dược liệu và vị thuốc YHCT. Hằng năm, bệnh viện sử dụng khoảng vài chục tấn thuốc bao gồm khoảng 250 vị thuốc YHCT được cung ứng thông qua đấu thầu rộng rãi. Trong các vị thuốc trên có tới 80-85% vị thuốc được nhập khẩu. Việc sử dụng thuốc Nam tại bệnh viện gặp khó khăn khi nguồn cung ứng thuốc Nam không ổn định (theo mùa, theo thời vụ). Thuốc Nam tự nhiên được thu hái theo mùa, khi hết mùa thường không có để cung ứng, chất lượng không ổn định, số lượng rất hạn chế. Các cơ sở nuôi, trồng không thể bán trực tiếp cho bệnh viện mà phải thông qua doanh nghiệp kinh doanh dược liệu. Bệnh viện chưa được phép hợp tác, liên kết với các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp nuôi trồng thuốc Nam. Công tác bào chế, sản xuất các chế phẩm (cao, hoàn, cốm, bột…) phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh đã được các bệnh viện quan tâm vì thuốc được sản xuất bào chế tiện sử dụng, có hiệu quả cao trong điều trị. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, do đó việc phát triển các chế phẩm vẫn còn dừng lại ở nghiên cứu và phục vụ nội bộ trong bệnh viện.

Nhiều người dân Việt Nam tìm đến thuốc Nam để điều trị và làm đẹp. Ảnh: Phan Hiệu.

Củng cố hệ thống cung ứng dược liệu

Tại buổi tọa đàm “Phát triển dược liệu bền vững” mới được tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, dược liệu làm thuốc của nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là bởi chưa có một quy hoạch tổng thể cũng như chính sách phù hợp. Do vậy, để phát triển bền vững cần phải có sự liên kết của Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, thiết lập được chuỗi liên kết giá trị dược liệu phát triển từ vùng trồng để tạo sự phát triển bền vững. Cục Quản lý y, dược cổ truyền cũng đề xuất củng cố hệ thống cung ứng dược liệu, cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho dược liệu sản xuất trong nước. Ngành y tế cũng cần tăng cường kiểm tra các loại dược liệu được nhập vào Việt Nam, trong đó quy định dược liệu nhập khẩu về Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của từng đợt nhập dược liệu. Việc tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ y học cổ truyền theo nhiều loại hình để đáp ứng đủ số lượng, chất lượng cán bộ là điều rất quan trọng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường xây dựng, ban hành tiêu chuẩn dược liệu sau chế biến; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ sinh học trong tạo giống dược liệu chất lượng cao; hiện đại hóa hệ thống kiểm nghiệm dược liệu, thuốc từ dược liệu...; nâng cấp cơ sở hạ tầng các viện, bệnh viện YHCT trong cả nước để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Thu Hương

(Nguồn: Quân đội nhân dân online)

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

  CÔNG TY CP CƠ ĐIỆN VÀ XÂY DỰNG CƯỜNG THỊNH

Trụ sở chính : Km430+400 Đường HCM, Văn Sơn, Hoàng Văn Thụ, Chương Mỹ, Hà Nội

Nhà máy sản xuất: Thôn Mỹ Lương, Xã Mỹ Lương, Huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội

ĐT: 243.999.7869; 0243 .360. 2088; 0987.35.88.18; Website: cuongthinhmeco.com; Email: cuongthinhmeco@gmail.com
TK: 102010001483983 - Ngân hàng công thương Việt Nam( Vietinbank) - Chi nhánh Tây Thăng Long

MST: 0105814045

Hotline 0987358818; 02439997869