Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho biết, mục tiêu xuất khẩu của ngành chế biến gỗ đặt ra trong năm 2014 là 6-6,2 tỷ USD do năm 2014 dự báo là năm ngành có sự tăng trưởng đầy triển vọng.
Tín hiệu sáng
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tháng 1/2014, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vẫn giữ được đà tăng trưởng, ước đạt 507 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2013. Sau thời gian khó khăn vì nhu cầu thị trường giảm, các doanh nghiệp gỗ có thể hy vọng bởi trong năm 2013, thị trường có tăng trưởng dương chiếm 63% kim ngạch xuất khẩu của ngành. Các doanh nghiệp trong ngành gỗ cũng đang rất kỳ vọng sự hồi phục thị trường thế giới sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam trong năm nay.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký VIFORES, năm 2013 là năm thuận lợi cho doanh nghiệp ngành gỗ, các doanh nghiệp đều nhận được đơn hàng dồi dào. Hoạt động xuất khẩu vào các thị trường tăng mạnh. Năm 2013, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang các thị trường tiêu thụ lớn đều tăng trưởng, trong đó, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ tăng 12,24%, sang thị trường Trung Quốc tăng 47,4%, sang thị trường Nhật Bản tăng 22,03%, thị trường Hàn Quốc tăng 43,7%. Hiện Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu dấn đầu ngành.
Trên đà thành công của năm 2013, cộng với những thuận lợi của năm 2014 về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất gỗ, các nhà quản lý cũng như các chuyên gia tin tưởng năm 2014, xuất khẩu đỗ gỗ sẽ có tăng trưởng khả quan. Báo cáo của Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho thấy, đến cuối 2013, cả nước đã có 144.000 ha rừng đạt tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của thế giới, trong đó có 50.800 ha rừng tự nhiên đạt chứng chỉ trên về nguồn gốc gỗ. Đây là cơ sở để ngành chế biến gỗ tiếp tục phát triển.
Thêm nữa, cùng với việc chủ động được nguồn gỗ trong nước, năm 2014, nhập khẩu gỗ nguyên liệu cũng sẽ thuận lợi hơn theo tinh thần Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bãi bỏ cấp phép nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ thị trường Campuchia với số lượng không hạn chế.
Vượt qua thách thức
Ông Nguyễn Tôn Quyền “Dù có những khó khăn và thách thức nhưng với nỗ lực của các doanh nghiệp thời gian qua, mục tiêu 6,2 tỷ USD hoàn toàn khả thi nhờ tín hiệu tốt từ thị trường vì đến thời điểm này các doanh nghiệp đã ký được hơn 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2014." |
Bên cạnh tín hiệu sáng, ông Nguyễn Tôn Quyền cũng cho rằng, nếu phân tích kỹ thì thấy mặc dù kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng hệ số lợi nhuận và giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao do chi phí đầu vào ở trong nước tăng mạnh. Ở khía cạnh khác, Trung Quốc dù là thị trường mà ngành gỗ có tốc độ tăng trưởng lớn nhưng chủ yếu họ nhập khẩu sản phẩm thô là chính, mua sản phẩm giá rẻ của người trồng rừng ở Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái…Đây là điều cần suy nghĩ vì nó tác động mạnh tới người trồng rừng và chế biến gỗ. Nếu chúng ta không có chính sách đặc biệt với thị trường Trung Quốc thì việc đảm bảo gỗ 100% hợp pháp đối với thị trường này rất phức tạp.
Hiện nay các nước xuất khẩu đồ gỗ chính cho EU là Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia. Trong đó riêng Trung Quốc mỗi năm xuất khoảng 8-12 tỷ USD. Tuy nhiên vài năm gần đây kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường này đã giảm do bị kiện bán phá giá. Chính vì vậy, Trung Quốc chuyển hàng của họ sang Việt Nam, lấy xuất xứ của Việt Nam đưa đi.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang EU năm 2013 đã tăng. Nhưng thực tế Việt Nam mới chỉ tiếp cận được bốn nước là Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha mà bỏ ngỏ các thị trường còn lại
Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang kỳ vọng vào Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) để mở rộng thị trường xuất khẩu với rất nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Canada. Theo các chuyên gia, TPP có hiệu lực đến đâu chưa rõ và điều các doanh nghiệp cần làm là chuẩn bị để thích nghi với hiệp định mới.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, quy định cụ thể về ưu đãi trong TPP thế nào thì đến nay phía cơ quan nhà nước vẫn chưa phổ biến rõ. Song, có một điều chắc chắn là nếu chúng ta mua gỗ ngoài khối TPP (bao gồm 12 nước đang tham gia đàm phán)…thì gỗ đó sau khi sản xuất, xuất khẩu sang các nước nội khối TPP thì sẽ phải chịu hai rủi ro lớn đó là thuế xuất rất cao và chịu sự giám sát tính pháp lý của gỗ rất khắt khe.
Điều quan trọng hơn rất nhiều đó là sự cạnh tranh khốc liệt từ sản phẩm gỗ nhập khẩu của các thị trường này rất lớn, kỹ thuật và quản trị kinh doanh rất cao, khoảng cách trình độ của ta so với họ còn rất xa. Việc này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao kỹ năng sản xuất, năng suất lao động cũng như mẫu mã, chất lượng sản phẩm để cạnh tranh.
"Với xu hướng hội nhập toàn cầu hóa ngày càng mở rộng, khó khăn và thách thức sẽ luôn song hành cùng với doanh nghiệp nhưng đây cũng là lúc các doanh nghiệp tự khẳng định mình, trưởng thành và vươn lên tầm khu vực và quốc tế." ông Quyền chia sẻ.
Hùng Cường
Người gửi / điện thoại
CÔNG TY CP CƠ ĐIỆN VÀ XÂY DỰNG CƯỜNG THỊNH
Trụ sở chính : Km430+400 Đường HCM, Văn Sơn, Hoàng Văn Thụ, Chương Mỹ, Hà Nội
Nhà máy sản xuất: Thôn Mỹ Lương, Xã Mỹ Lương, Huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội
ĐT: 243.999.7869; 0243 .360. 2088; 0987.35.88.18; Website: cuongthinhmeco.com; Email: cuongthinhmeco@gmail.com
TK: 102010001483983 - Ngân hàng công thương Việt Nam( Vietinbank) - Chi nhánh Tây Thăng Long
MST: 0105814045